Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu phục hồi kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), chỉ có Việt Nam và Trung Quốc đạt phục hồi theo hình chữ V, đồng thời tiếp tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.

Báo cáo “Phục hồi chưa đồng đều” cập nhật kinh tế khu vực vừa công bố của WB cho thấy, các nền kinh tế tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương phục hồi không đồng đều sau hơn một năm trải qua đại dịch Covid-19. Chỉ có Trung Quốc và Việt Nam được chứng kiến phục hồi theo hình chữ V khi sản lượng hai nước đã vượt mức trước đại dịch.

Kết quả kinh tế có được đến nay vẫn nhờ vào hiệu quả ngăn chặn virus lây lan, khả năng tận dụng sự khởi sắc của thương mại quốc tế, năng lực của Chính phủ các nước trong việc hỗ trợ bằng chính sách tài khóa và tiền tệ.

Trung Quốc và Việt Nam dẫn đầu phục hồi kinh tế trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương

Trung Quốc và Việt Nam dẫn đầu phục hồi kinh tế trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương

Các chuyên gia của WB dự báo, tăng trưởng trong khu vực có thể sẽ tăng từ khoảng 1,2% năm 2020 lên 7,5% trong năm 2021. Tuy nhiên, việc tăng trưởng này phân thành ba cấp độ khác nhau.

“Việt Nam và Trung Quốc sẽ là hai nền kinh tế có mức tăng trưởng dự kiến cao hơn trong năm 2021, lần lượt là 8,1% và 6,6% so với 2,3% và 2,9% trong năm 2020”, báo cáo nêu rõ.

Do ảnh hưởng của đại dịch, các nền kinh tế lớn còn lại sẽ chỉ tăng trưởng bình quân ở mức khoảng 4,6%, thấp hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng trước khủng hoảng.

Dự kiến, sản lượng của Indonesia và Malaysia sẽ quay về mức trước đại dịch trong năm 2021, trong khi Thái Lan và Philippines nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng thấp hơn so với trước đại dịch cho đến cuối năm 2022.

Tuy nhiên, sự phục hồi của các nền kinh tế quốc đảo vốn phụ thuộc vào du lịch dự kiến sẽ đặc biệt khó khăn. Khoảng một nửa các quốc đảo phải chịu tăng trưởng âm, mặc dù các nước này cơ bản miễn nhiễm với đại dịch.

Báo cáo ước tính gói kích cầu của Mỹ có thể sẽ nâng tốc độ tăng trưởng năm 2021 của các quốc gia trong khu vực thêm 1 điểm %, đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi lên trung bình khoảng 3 tháng. Triển vọng trên vẫn có rủi ro nếu vắc xin Covid-19 bị triển khai chậm, khiến cho tăng trưởng giảm đến 1 điểm % ở một số quốc gia.

Vì thế, báo cáo kêu gọi phải hành động để ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ kinh tế và xanh hóa quá trình phục hồi, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng với khối lượng và cách phân bổ vắc xin như hiện nay, trên 80% dân số các quốc gia phát triển sẽ được tiêm vắc xin vào cuối năm 2021, trong khi mức độ bao phủ vắc xin tại các quốc gia đang phát triển chỉ đạt khoảng 55%.

Kiểm soát covid-19 tốt là một trong những ảnh hưởng tích cực lên chỉ số kinh tế Việt Nam

Kiểm soát covid-19 tốt là một trong những ảnh hưởng tích cực lên chỉ số kinh tế Việt Nam

“Hơn bao giờ hết, chúng ta cần hợp tác quốc tế, để ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ kinh tế và xanh hóa quá trình phục hồi”, ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB cho hay.

Vị này cũng nhìn nhận, Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng bằng cách gia tăng xuất khẩu các sản phẩm y tế, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, và tiến hành các biện pháp mạnh mẽ hơn về khí hậu.

Nguồn: Hải quan Online

Chia sẻ

Leave a comment