Ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 01/2020 gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống con người trên toàn thế giới. Đến đầu tháng 7/2020 đã có hơn 10 triệu người mắc bệnh và hơn nửa triệu người chết. Đại dịch đã gây áp lực nặng nề lên khả năng sản xuất và dây chuyền cung ứng toàn cầu và cũng chính đại dịch cũng mở ra con đường mới để ngành dịch vụ logistics phát triển.

 

 

“Xương sống” của chuỗi cung ứng
Do đại dịch, chuỗi cung ứng đã bị đứt gẫy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics – xương sống của chuỗi cung ứng. Các dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường bộ và vận tải đường sắt bị tác động nặng nề nhất. Vận tải biển ít bị ảnh hưởng hơn với cước phí vẫn giữ vững mặc dù yêu cầu chuyên chở có giảm sút và khó khăn về thủ tục do đại dịch. Các đặc điểm này của chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics thế giới đã thể hiện đầy đủ trong ngành dịch vụ logistics Việt Nam.

Đối với Việt Nam, từ khi nổ ra đại dịch, cuộc khủng khoảng này tác động mạnh mẽ lên ngành vận tải, logistics và tìm nguồn cung ứng chiến lược trọng yếu. Các ngành sản xuất như dệt may dựa chủ yếu vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc – nơi xảy ra đại dịch bị tác động nhất, đã ngưng trệ sản xuất do đại dịch. Chiến dịch giải cứu hàng hóa bị ách tắc ở biên giới với Trung Quốc giai đoạn đầu của đại dịch và đặc biệt là thời gian cách ly xã hội trong tháng 4/2020 đã làm cho hoạt động sản xuất, logistics, vận tải bị gián đoạn, tắc nghẽn. Từ tháng 5, kinh tế bắt đầu phục hồi nhưng đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các thị trường là đối tác thương mại chính của Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu và logistics.

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), trong quý I/2020, 15 – 50% hoạt động của các hội viên bị ảnh hưởng (giảm về hoạt động và doanh thu) tùy theo loại hình dịch vụ cung cấp. Khoảng 97% doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ logistics là vừa và nhỏ nên bị tác động nặng nề. Từ tháng 5/2020, hoạt động logistics được phục hồi theo nền kinh tế nhưng hiện nay nhìn chung khoảng 20% DN kinh doanh dịch vụ logistics vẫn còn suy giảm về hoạt động. So với trước đại dịch, lượng hàng hóa vận tải qua biên giới giảm đi nhiều, phải đổi lái xe, đổi đầu kéo là những khó khăn hiện hữu.

Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở sâu rộng, phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư FDI với hơn 70% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu là thuộc khu vực này. Theo đó, ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng chịu tác động của khoảng hơn 30 DN cung cấp logistics xuyên quốc gia có quan hệ mật thiết với các chủ hàng và hãng tàu biển lớn của thế giới. Nhu cầu quốc tế giảm sút đưa đến đơn hàng xuất khẩu giảm, nhiều công ty phải cho công nhân nghỉ việc. DN dịch vụ logistics bị tác động, ảnh hưởng theo. GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Sự hồi phục và phát triển của một nền kinh tế sau khi dập đại dịch Covid-19 phụ thuộc vào sức sống của các nền kinh tế khác, nhất là các nền kinh tế phát triển. Đây là một đặc điểm nổi bật mà ngành dịch vụ logistics thế giới và Việt Nam đã và đang chịu tác động.

Chia sẻ

Leave a comment