Trong lịch sử phát triển của các quốc gia biển đều có xu hướng dịch chuyển địa chiến lược, từ phát triển dựa vào không gian đất liền tiến ra dựa vào không gian biển. Các quốc gia đã thay đổi tầm nhìn về phát triển kinh tế biển theo hướng tích cực, hướng đến nền kinh tế biển xanh, trong đó yêu cầu khai thác, sử dụng các nguồn lực biển theo hướng bền vững.
Phát triển về hướng biển là mong muốn và ý chí của các thế hệ lãnh đạo cũng như người dân TPHCM. Đây là yêu cầu để TPHCM có kinh tế biển và chuỗi đô thị biển, kết nối với quốc tế và khu vực. Do đó, việc chuyển hoá không gian kinh tế biển vịnh Cần Giờ theo hướng bảo tồn môi trường sinh thái, phát triển bền vững được kỳ vọng là bước đột phá của TPHCM trong hành trình hội nhập và vươn ra biển.
1. Tầm nhìn đô thị hướng biển hiện đại
PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Về mặt tài nguyên và vị thế, vịnh Cần Giờ là mặt tiền biển duy nhất của TPHCM với 42.000 km2. Trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vịnh Cần Giờ là cửa ngõ, đây chính là tiềm năng để huyện Cần Giờ và TPHCM phát triển kinh tế biển. Trong đó có kinh tế hàng hải, vận tải biển, khai thác nguồn lợi tự nhiên và nuôi trồng thuỷ sản, hải sản, cũng như du lịch biển gắn với khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận.
Mô hình phát triển trong tương lai gần của TPHCM phải chú trọng kết nối vùng lân cận để phát triển kinh tế biển, tiến tới trở thành một thành phố cửa ngõ kết nối mạnh mẽ với khu vực và quốc tế. Vịnh Cần Giờ có điều kiện trở thành trung tâm đô thị biển hiện đại, công nghệ tài chính, du lịch sinh thái. Theo PGS.TS Lưu Thế Anh, nếu xây dựng được mô hình đô thị sinh quyển Cần Giờ thì đây là mô hình đô thị biển rất đặc thù, đặc trưng của TPHCM và cả Việt Nam so với các nước khác trên thế giới.
“Bởi vì đô thị gắn với khu dự trữ sinh quyển, cũng chính là giá trị mà Đảng bộ, nhân dân và chính quyền TPHCM gìn giữ, bảo vệ. Đến giờ chúng ta có được một tấm lá phổi xanh khổng lồ, có chức năng phòng hộ rất lớn cho vấn đề phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường” – PGS.TS Lưu Thế Anh nói.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Tổng Cục phó Tổng Cục Biển đảo Việt Nam nhận định, việc hướng biển, dựa vào biển để phát triển kinh tế đối với TPHCM thì sẽ thay đổi từ tầm vóc đến nội dung. Nhìn trên sơ đồ phát triển từ xưa tới nay, không gian biển của TPHCM là huyện Cần Giờ vẫn còn là khoảng không của khu dự trữ sinh quyển. Thế giới đã khuyến khích việc chia sẻ lợi ích từ bảo tồn đa dạng sinh học và định hướng phát triển những nền kinh tế dựa trên bảo tồn. Đây là nền tảng của việc khai thác nguồn lực tự nhiên một cách hợp lý, hài hoà mà TPHCM có thể hướng tới.
Huyện Cần Giờ nằm trong khu vực cửa sông hình phễu, ở Việt Nam chỉ có hai cấu trúc quan trọng này là ở khu vực TPHCM – Vũng Tàu và phía Bắc là khu vực Hải Phòng – Quảng Yên. Đây là những khu vực có lợi thế gắn quá trình phát triển đô thị với các cảng biển và với các giá trị bảo tồn. Ngoài ra, xu hướng sắp tới là phải tạo thành một kết nối không chỉ giữa đất liền và biển, mà phải đặt TPHCM vào bối cảnh của quốc gia là sớm hoàn thiện một hệ thống đô thị biển.
“Để Việt Nam không phải là một quốc gia mãi mãi đứng ở ven bờ, mà thực sự là một quốc gia biển. Việc này vừa tạo ra cực phát triển, cực đối trọng để tận dụng những lợi thế phát triển của khu vực trong thời gian tới. Ngược lại, đây cũng là những đối trọng cần thiết trong việc gắn phát triển kinh tế với việc bảo đảm an ninh chủ quyền quốc gia” – PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nêu ý kiến.
2. Phát triển kinh tế biển tạo sự “cất cánh”
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trước đây TPHCM đã từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viên Đông nổi tiếng trong khu vực, từng được đặt vào vị trí trên con đường hàng hải Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đô thị TPHCM trước đây nằm sâu trong đất liền, tiếp cận với biển thông qua hệ thống sông ngòi, các hệ thống cảng nằm trên hệ thống sông chứ chưa nằm sát với biển. Với cách tiếp cận biển theo xu hướng hiện nay, thế giới đã xuất hiện nông nghiệp trên mặt biển. Ngoài ra còn có sự chuyển dịch trong mảng năng lượng tái tạo từ gió hay mặt trời sang năng lượng biển, với độ tái tạo an toàn hơn, hiệu quả hơn.
Theo GS Đặng Hùng Võ, đây là thời điểm TPHCM hướng ra biển phát triển kinh tế không chỉ tiếp cận trên phần đất liền, mà dùng mặt biển như mặt đất liền, thông qua khu vực vịnh Cần Giờ. Cần những luận cứ cụ thể để có thể quyết định phát triển từ Cần Giờ ra biển mà không ảnh hưởng tới bền vững, vẫn đảm bảo hệ sinh thái biển nguyên vẹn. Đây cũng là lúc tính tới liên kết vùng, TPHCM tiếp cận theo hướng hình thành một hệ sinh thái cộng sinh, có các yếu tố nương nhờ, dựa vào nhau để sống. Lúc đó sẽ tạo ra một hệ sinh thái bền vững, không gây ra tác động bởi hiệu suất sử dụng các nguồn lực là cao nhất và rác thải sẽ ở mức tối thiểu.
GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, phát triển kinh tế biển của TPHCM là động lực tạo sự “cất cánh”, chỉ có điều phát triển như thế nào để không có mặt tiêu cực kém bền vững. Nếu bước ra biển mà bước đúng thì chắc chắn tạo ra lợi thế rất lớn cho TPHCM vì không chỉ bó hẹp trong địa bàn đất liền, từ đấy chế ngự vùng biển trước mặt với nhiều hoạt động.
“TPHCM tạo ra được cửa ra biển, thiết lập hạ tầng kinh tế biển tốt thì chắc chắn là một giải pháp bổ sung cực kỳ hay. Chúng ta tận dụng đất hiệu quả và tận dụng mặt biển hiệu quả, và không để lại tất cả những gì làm cho thiếu bền vững. Đấy là giải pháp tạo ra TPHCM như một đô thị hiện đại” – GS. Đặng Hùng Võ nêu rõ.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, với tầm nhìn phát triển kinh tế biển nhìn từ tiềm năng toàn vùng, TPHCM đang đẩy mạnh chuỗi kết nối đô thị biển tầm vóc quốc tế trong bối cảnh mới và phát triển chuỗi không gian biển bằng những mô hình phát triển hiện đại, công nghệ xanh và chuyển đổi số mạnh mẽ. Dù phát triển theo hướng nào thì TPHCM vẫn giữ vững vai trò “nhạc trưởng” trong liên kết vùng với các tỉnh lân cận phía Đông và phía Tây, và vẫn là đầu mối giao thương quốc tế của Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Theo ông Võ Văn Hoan, TPHCM cần dựa trên nền tảng kinh tế biển, đô thị biển và xem đây là hai phương diện phát triển có mối liên hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau, cùng nhau phát triển. Ông Võ Văn Hoan khẳng định, TPHCM có tiềm năng để hình thành kinh tế biển, đô thị biển, thể hiện ở việc liên kết vùng kinh tế và đô thị như Vũng Tàu – Cần Giờ – Gò Công. Trong đó TPHCM là hạt nhân, động lực phát triển cho cả vùng, bên cạnh việc phân công rõ những chức năng cho các địa phương, các đơn vị.
Ông Võ Văn Hoan khẳng định, TPHCM quan tâm đến kiểm soát và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững: “Nếu chỉ quan tâm đến phát triển mà không quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường thì rõ ràng đó không phải là phát triển bền vững, đó cũng không phải là định hướng phát triển chung của Đảng ta. Chúng ta phải đi, phải phát triển nhưng vừa đi vừa đảm bảo bền vững, không gây ra tác động môi trường bất lợi cho sự phát triển chung, phát triển lâu dài”.
Tiềm năng kinh tế biển của TPHCM là rất lớn, do đó phát triển kinh tế hướng biển là hướng đi tận dụng được nguồn tài nguyên vốn có để làm động lực đưa thành phố vươn tầm ra khu vực. Trong quá trình phát triển, TPHCM cần tìm giải pháp hài hoà lợi ích về kinh tế và đảm bảo môi trường sinh thái, có như vậy thì sự phát triển mới bền vững, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Nguồn: VOV.VN
Leave a comment